Tài chính vi mô trong công cuộc xóa đói giảm nghèo
Từ thông lệ quốc tế, TCVM là những dịch vụ cung cấp tài chính cho người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập ít ỏi và những doanh nghiệp nhỏ mới chớm nở của họ, những dịch vụ mà TCVM cung ứng bao gồm: gọi vốn tiền gửi (tiết kiệm bắt buộc hoặc tiết kiệm tự nguyện), cung cấp khoản vay, thanh toán, giao dịch tiền, bảo hiểm vi mô, hỗ trợ thuê mua công cụ lao động trực tiếp… cùng với một số dịch vụ phi tài chính như giáo dục đào tạo phương pháp quản lý tài chính kinh doanh, đào tạo phổ cập kiến thức sản xuất, nghề nghiệp, ứng dụng thị trường…
Thực trạng chung
Việt Nam ngày nay hoạt động TCVM đã nhen nhóm xuất hiện từ cuối những năm 1980 hấu hết những hoạt động này dựa vào những tổ chức quốc tế hay những tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức đã thiết lập nên nhiều chương trình hỗ trợ thúc đẩy kinh tế song phương và đa phương với cùng một mục đích chung là địa phương xóa đói, giảm nghèo. Vào đầu những năm 1990, khi đất nước ta vừa bước vào thời kỳ đổi mới, Chính phủ Việt Nam đã công bố chương trình xóa đói giảm nghèo cấp quốc gia với tín dụng là công cụ then chốt. Việc cung cấp tín dụng cùng những khoản vay có trợ cấp từ Chính phủ sẽ được triển khai thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng kết hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội (tiền thân là Ngân hàng phục vụ người nghèo). Bên cạnh ngân hàng sẽ đi kèm các chương trình cho vay hưởng ưu đãi đặc biệt dựa theo mục đích cam kết rõ ràng mà Bộ Lao động Thương binh và xã hội sẽ nắm vai trò quản lý thực thi. Từ đó TCVM ở Việt Nam được cung cấp theo 3 nhóm:
Nhóm tổ chức tài chính:
– Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam
– Ngân hàng Chính sách Xã hội (tiền thân là Ngân hàng phục vụ người nghèo)
– Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cấp cơ sở
– Tổ chức tài chính quy mô nhỏ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp chứng chỉ, sản phẩm chủ đạo vẫn là tín dụng vi mô và nhận tiết kiệm
Lợi điểm của nhóm này là tập hợp những tổ chức tài chính đã có nhiều năm kinh nghiệm, có khả năng quản trị nguồn nhân lực, điều hành nguồn vốn, do NHNN kiểm soát, quản lý và hỗ trợ tái cấu trúc trong trường hợp cấp thiết. Thế nhưng nhóm ngân hàng và quỹ tín dụng này lại không mấy mặn mà gì với tín dụng vi mô vì những khoản vay nhỏ trong khi chi phí quản lý lại khá cao đi cùng rủi ro thu hồi nợ không khả thi.
Nhóm tổ chức phi chính phủ:
– Các tổ chức phi chính phủ
– Những chương trình được triển khai thông qua các tổ chức chính trị xã hội
– Tổ chức xã hội
– Tổ chức xã hội – nghề nghiệp
– Quỹ từ thiện
– Quỹ xã hội
Đánh giá công tâm mà nói nhóm này sâu sát thực tế nhất đời sống an sinh xã hội, tiếp cận trực tiếp người nghèo nên sản phẩm tài chính của nhóm này phù hợp với thực trạng với người yếu thế trong xã hội hơn là nhóm tổ chức tài chính chính thức. Bên cạnh đó vẫn có nhiều bất cập trong khâu tổ chức quản lý vì quy mô sở hữu nguồn vốn nằm trong nhiều cấp bậc khác nhau.
Nhóm khác:
Nhóm này gồm những hoạt động theo nhóm cá nhân nhỏ lẻ bằng các hình thức như chơi hụi, bốc họ, vay mượn người thân, họ hàng, bạn bè, láng giềng hoặc thậm chí đi vay tín dụng đen, vay cầm đồ… Điểm bất cập lớn nhất của hình thức này là những mối quan hệ này chỉ là quan hệ dân sự nên mọi mâu thuẫn tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thường thì sẽ không đủ cơ sở pháp lý để tiến hành tố tụng đúng luật do người vay hay người cho vay nằm trong nhóm này nắm cơ sở luật chưa vững chắc.
Sau một khoảng thời gian định hướng và phát triển, TCVM dần đã khẳng định được vai trò của mình trong kinh tế. Thế nhưng về mặt bản chất thì TCVM vẫn đang chưa được hiểu một cách đúng đắn và chưa có sự đồng nhất chung ở ban ngành các cấp. Với cách hiểu của các cấp ngành thì TCVM vẫn chỉ được xem là khoản tín dụng vi mô mang tính hỗ trợ ưu đãi, là sản phẩm bao cấp chỉ dành cho người nghèo. Chính vì nhận thức sai lệch này khiến cho TCVM trong một thời gian khá dài vai trò và vị trí của TCVM trong chuỗi hệ thống tài chính – ngân hàng vẫn không được nhìn nhận công tâm đúng giá trị mang lại, kéo theo đó là chưa được tổ chức tài chính chính thức khuyến khích phát triển theo định hướng bền vững (tức là không cần trợ cấp để bù lỗ).
Rất may, kể từ năm 2017 cho đến nay, vị trí của TCVM đã có nhiều bước tiến phát triển vượt bậc để nắm vai trò then chốt cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và phổ cập đến hầu hết người dân ở những vùng nông thôn, miền núi mà các tổ chức tài chính truyền thống không mấy mặn mà. Đây chính là điểm tác động tích cực nhất mà TCVM góp phần nên sự phát triển kinh tế xã hội bền vững như bây giờ.