Cơ hội và thách thức khi ứng dụng Fintech trong tài chính vi mô để xây dựng một hệ thống tài chính bền vững (Phần 2 – Thách thức)
Mặc dù ta đã thấy có nhiều cơ hội để các TCTCVM Việt Nam phát triển sản phẩm dịch vụ của mình ứng dụng công nghệ Fintech nhưng đi kèm theo đó là không ít thách thức gây rào cản cho quá trình triển khai ứng dụng thực tiễn. Trong bài này hãy cùng tôi tìm hiểu cụ thể nhé !
I. Hành lang pháp lý lỏng lẻo
Đối với các sản phẩm Fintech nói chung và những sản phẩm dịch vụ tài chính kỹ thuật số nói riêng, công tâm mà nói trong những năm vừa qua Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã có rất nhiều sự chủ động trong việc tiếp cận vấn đề, các cuộc hội đàm đối thoại cùng các doanh nghiệp Fintech được tổ chức xuyên suốt nhằm kịp thời gỡ rối từng khúc mắc, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty gia nhập vào thị trường.
Các giải pháp được nhanh chóng nghiên cứu và triển khai ngay nhưng quy định pháp luật lại chưa kịp cập nhật điều chỉnh. Đến cả ngân hàng thương mại cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai giải pháp Fintech vì hành lang pháp lý chưa có chế tài cho những ứng dụng công nghệ như Blockchain hay xác thực khách hàng từ xa…
II. Hệ thống dữ liệu cá nhân tập trung chưa phổ cập
Việt Nam chúng ta hiện nay, thông tin dữ liệu công dân đã bắt đầu được quản lý thông qua chip điện tử từ căn cước công dân bước đi lớn này của chính phủ nhằm quản lý dữ liệu tập trung cho kho dữ liệu quốc gia, thế nhưng mọi thứ mới chớm nở nên toàn bộ dữ liệu của cư dân vẫn còn phụ thuộc vào cá nhân phải lên trình báo tại các cơ quan chức năng. Phải cần một thời gian khá lâu để dữ liệu của toàn nhân dân Việt Nam được cập nhật đầy đủ về kho dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó khuôn khổ quy định pháp lý hiện hành chưa cho phép các tổ chức hay cá nhân được quyền truy cập và khai thác thông tin từ kho dữ liệu công dân này.
III. Bà con nông dân vùng sâu vùng xa đang có đời sống vật chất tinh thần và trình độ tiếp cận thông tin còn hạn hẹp
Hiện nay mức sống của người dân tại khu vực này còn quá chênh lệch so với người dân thành thị.
Cụ thể lực lượng lao động vùng nông thôn, miền núi không biết chữ hay chưa tốt nghiệp tiểu học tỷ lệ còn khá cao, chiếm 18,26% tổng lực lượng lao động năm 2010. Ở thành thị tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ tương đương chỉ có 7,65%. Đi cùng với đó là trình độ chuyên môn của lực lượng lao động trong khắp cả nước, cụ thể là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo trong năm 2018 rơi vào khoảng 77,1%, điều này có nghĩa chỉ có khoảng 22,9% lực lượng lao động trên 15 tuổi đã được đào tạo.
Từ đó ta thấy được mức độ thu nhập của đối tượng này còn khá thấp, khoảng cách trình độ để tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế nên việc tiếp thu nền tảng công nghệ cao sẽ còn rất khó khăn.
IV. Thói quen tiêu dùng, hành vi thanh toán và sử dụng dịch vụ tài chính khác biệt
Mô hình chợ truyền thống từ lâu đã gắn bó với cư dân nơi đây, họ không cần thiết phải dùng dịch vụ thanh toán điện tử hay ngân hàng vì mức chi tiêu giá trị không lớn là bao, thậm chí nhu cầu sinh hoạt cơ bản hàng ngày vẫn là tự cung tự cấp là chính nên sử dụng tiền mặt vẫn là chủ yếu của nhóm đối tượng này. Riêng với ngành tín dụng, tâm lý người dân còn khá e dè khi phải vay mượn từ TCTCVM vì công đoạn hoàn thiện quy trình thủ tục hồ sơ theo yêu cầu của TCTCVM rất chặt chẽ, với khoảng cách trình độ nhận thức của họ điều này thật sự khó hiểu.
Trích từ số liệu Điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam – VARHS năm 2015, với 38% số hộ nông dân đã vay vốn tín dụng thì chỉ có gần 37% đã vay được từ các ngân hàng; 63% số hộ còn lại vẫn phải vay từ những nguồn phi chính thức như từ họ hàng hoặc bạn bè hay thậm chí nhức nhối hơn là tín dụng đen. Kể cả lĩnh vực bảo hiểm, điều kiện kinh tế của bà con nông dân còn khó khăn nên bản thân người dân nơi đây chưa hiểu, cũng chẳng mặn mà đoái hoái tới các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), với tâm lý sao tôi phải bỏ tiền ra để trả phí bảo hiểm khi mà tổn thất rủi ro chưa chắc đã xảy ra. Cũng theo thống kê từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm trực thuộc Bộ Tài chính, năm 2016 cả nước ta chỉ có khoảng 304.017 hộ nông dân và tổ chức sản xuất nông nghiệp đã tham gia BHNN, con số này còn quá ít ỏi so với tổng 11 triệu hộ gia đình làm nông trên khắp cả nước.
Nền văn minh nông nghiệp đất nước Việt Nam chúng ta đã tồn tại hàng nghìn năm nay, tạo nên một khối đại đoàn kết tổng thể vững chắc khó mà lung lay, thế nên để có thể thay đổi hành vi thói quen bà con nông dân trong việc sử dụng công nghệ cao là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, lâu dài nhằm nhắm đến một đất nước Việt Nam phồn vinh hưng thịnh.