Cơ hội và thách thức khi ứng dụng Fintech trong tài chính vi mô để xây dựng một hệ thống tài chính bền vững (Phần 1 – Cơ hội)
Tại Việt Nam, dân số nước ta hầu hết 2/3 hiện đang cư trú tại những khu vực vùng sâu vùng xa. Có thể khẳng định khu vực này rất tiềm năng khi nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính quy mô nhỏ của các đối tượng ở đây đang ngày càng tăng, là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) hoạt động. Tuy nhiên không vì thế mà việc tiếp cận dịch vụ tài chính của những người dân ở khu vực này có dấu hiệu khả quan vì còn nhiều hạn chế khi các mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng hoặc TCTCVM khá thưa thớt và cách rất xa nơi sinh sống của họ. Bên cạnh đó, thách thức đặt ra rất lớn cho các ngân hàng và các TCTCVM khi mở rộng phạm vi địa bàn hoạt động qua những khu vực này thì phải cân bằng giữa hiệu quả với chi phí đầu tư vốn không mấy ít ỏi.
Cơ hội nào khi ứng dụng Fintech vào TCTCVM ?
I. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông
Thời gian đại dịch Covid vừa qua đã đặt dấu mốc cho công nghệ phát triển vũ bão khi người dân bị hạn chế ra khỏi căn nhà của mình chỉ có thể liên lạc với nhau qua Internet. Cho đến nay lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam đã và đang phát triển đáng kinh ngạc khi thiết lập được mạng lưới cơ sở hạ tầng nâng cao cho sự phát triển của toàn bộ các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Trích từ bản Báo cáo Công nghệ Thông Tin Toàn Cầu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), xếp hạng Chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI) ở Việt Nam năm 2016 đạt 79 so 139 nước, đã tăng hơn 6 bậc kể từ năm 2015; chỉ số đánh giá về khả năng kết nối các dịch vụ CNTT đứng thứ 3 trên 139 nước; bất ngờ hơn chi phí cước dịch vụ Internet băng thông rộng cố định ở nước ta lại đang thấp nhất thế giới xếp hạng 1 trên 139 nước. Và càng vui hơn khi thị trường dịch vụ viễn thông, Internet đang đi vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt tỷ lệ thuận với chất lượng dịch ngày càng tăng cao.
Tỷ lệ nhân dân Việt Nam tiếp cận với Internet ở mức cao so với mức trung bình thế giới. Theo báo cáo của Neilsen – Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu ở Việt Nam có trên 64 triệu người trực tuyến với tỷ lệ là 67% dân số, cao hơn mặt bằng trung bình của thế giới là 46,64%.
Cũng theo báo cáo khảo sát thị trường trong những năm 2015 – 2016 của Neilsen, vùng sâu vùng xa Việt Nam đã đạt gần 24 triệu người sử dụng nền tảng trực tuyến (tương đương với 39% dân số khu vực này) và 22,5 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook (chiếm gần 37% dân số trong khu vực). Cũng trong bản báo cáo của Neilsen, cho thấy 90% cư dân vùng sâu vùng xa đang sở hữu cho mình một chiếc điện thoại di động và 50% số đó đã sở hữu điện thoại thông minh.
Từ số liệu trên ta thấy được sự phát triển của lĩnh vực CNTT và di động tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn khi xóa nhòa khoảng cách địa lý đang là trở ngại lớn nhất để cung ứng dịch vụ tài chính của các TCTCVM tới khách hàng. Đây sẽ là mấu chốt khi mạng lưới ngân hàng chưa sẵn sàng bao phủ ở khu vực nông thôn hay miền núi…
II. Việc bà con nông dân tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng truyền thống còn nhiều mặt hạn chế
Để cung ứng dịch vụ thanh toán ở khu vực vùng sâu vùng xa khá khó khăn về mặt cơ sở hạ tầng. Là ngân hàng, phải cân nhắc tính hiệu quả trong việc đầu tư khi mật độ chi nhánh phủ sóng dựa theo đơn vị tính diện tích thì Việt Nam chúng ta còn khá thấp. Số lượng tài khoản cá nhân của nhân dân Việt Nam nói chung còn khá ít, điển hình là bà con nông dân ở nông thôn, miền núi. Theo ước tính, tại nước ta hiện chỉ có khoảng 50% con người Việt Nam trưởng thành đang có tài khoản tiền gửi tại đơn vị tổ chức tài chính chính thức, so tỷ lệ này tại vùng sâu vùng xa còn thấp hơn rất nhiều.
Chính vì hạn chế trong mạng lưới cung ứng dịch vụ từ ngân hàng truyền thống cùng sự quan tâm không mấy mặn mà của những ngân hàng đối với phân khúc thị trường tại vùng nông thôn, miền núi là cơ hội cho các TCTCVM áp dụng Fintech tiến sâu vào thị trường này mà không cần thiết phải hiện diện mạng lưới chi nhánh hay điểm giao dịch.
III. Nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của bà con nhân dân ngày càng lớn
Nền kinh tế Việt Nam chúng ta đang có bước phát triển thần tốc nhờ vào cơ cấu chuyển dịch kinh tế không còn tập trung vào thành phố lớn. Vùng sâu vùng xa tuy phát triển không nhanh như các thành phố lớn nhưng đã có nhiều bước ngoặt rõ rệt trong những năm gần đây. Đời sống thu nhập của bà con nông dân cải thiện hơn trước rất nhiều, tỉ lệ hộ nghèo giảm hẳn; tư duy của người dân cùng trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật nâng tầm cao hơn trước đây rất nhiều.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê – Cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011 – 2016, số hộ gia đình phi nông nghiệp tăng lên 1,2 triệu hộ (23,2%), trong đó hộ gia đình công nghiệp – xây dựng tăng 39,6%; hộ kinh doanh dịch vụ tăng 9,9%.
Kéo theo đó sự chuyển dịch của người lao động từ nông thôn ra đến thành thị cũng góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển tiền, thanh toán tại vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên nhu cầu thì đã có nhưng việc chuyển tiền của đối tượng này lại thực hiện thông qua hệ thống ít ỏi của các tổ chức tín dụng (TCTD) hoặc những kênh dịch vụ bưu điện, dịch vụ chuyển tiền không chính thức (ô tô khách, cửa hàng vàng bạc…). Theo đó các kênh nêu trên vẫn còn nhiều hạn chế về thời gian, chi phí và tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh.
Bạn thấy đó, nhu cầu về dịch vụ tài chính của bà con nhân dân vùng sâu vùng xa rất lớn nhưng việc đáp ứng nhu cầu của thị trường này từ hệ thống ngân hàng truyền thống không mấy khả quan. Lợi điểm này mở ra một cơ hội lớn để TCTCVM có thể áp dụng công nghệ Fintech vào những dịch vụ TCVM của mình cung ứng cho toàn bộ vùng đất màu mỡ này.